Trong cuộc sống hiện đại, áp lực từ cuộc sống, công việc khiến người trẻ dễ gặp các vấn đề về sức khỏe tinh thần.
Những tổn thương về mặt tinh thần không phải lúc nào cũng được biểu hiện ra ngoài, nhưng hậu quả của nó thì khôn lường nếu nỗi đau âm ỉ kéo dài từ ngày này qua ngày khác và không được giải quyết kịp thời. Điều đáng nói, vấn đề này dường như có dấu hiệu đang xảy ra ngày một nhiều ở người trẻ - thế hệ vốn dĩ vẫn luôn được nhìn nhận là tràn đầy năng lượng, khát khao sống, mong muốn trải nghiệm và cống hiến.
Con số đáng báo động
Ngày 10/10, phát biểu tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới do Bộ Y tế phối hợp tổ chức với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, GS.TS.Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng tại Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần ở nước ta là 14,9% dân số (tương đương gần 15 triệu người).
Ngoài ra, tỷ lệ tâm thần phân liệt ở nước ta là 0,47% dân số; tỷ lệ trầm cảm, lo âu chiếm từ 5% đến 6% dân số, còn lại là các dạng rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan đến sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác.
Điều đáng nói hơn nữa, trẻ em cũng là một chủ thể cần được quan tâm đặc biệt về sức khỏe tâm thần. Cụ thể, có khoảng 12% trẻ em ở nước ta (tương đương hơn 3 triệu trẻ em) gặp phải vấn đề này và cần được chăm sóc về tinh thần. Trước đó, WHO đưa ra con số cũng rất đáng chú ý: Hơn 100 triệu người bị rối loạn sức khỏe tâm thần ở khu vực Tây Thái Bình Dương, trong khi rối loạn trầm cảm là nguyên nhân gây ra 5,73% gánh nặng bệnh tật ở khu vực này. Đây là những con số đáng báo động và cho thấy vấn đề đặt ra thực sự cấp thiết.
Sức khỏe tinh thần quan trọng như sức khỏe thể chất
Não là trung tâm điều khiển của hệ thần kinh trung ương. Chính vì vậy, não có vai trò quyết định hành vi của mỗi con người. Một bộ não khỏe mạnh mới có thể đưa ra những hành vi đúng đắn và sáng suốt. Nói cách khác, sức khỏe tinh thần chính là nền tảng quan trọng cho các hoạt động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần vẫn cần được nâng cao nhiều hơn. Khi nói đến vấn đề chăm sóc sức khỏe, chúng ta không nên mặc định chỉ cần chăm sóc về thể chất, mà tinh thần cũng cần được lưu tâm. Thậm chí, những vấn đề về tinh thần thường có chiều hướng kéo dài âm ỉ và ít bộc lộ ra ngoài hơn so với vấn đề thể chất do mọi người thường ngại ngùng, mặc cảm trong việc chia sẻ điều mình đang gặp phải về mặt tâm lý.
Với thế hệ trẻ, vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần cần được đặt ra ngay từ chính trường học và gia đình. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển với tốc độ cao, việc tiếp cận thế giới một cách đơn giản thông qua máy tính, điện thoại khiến người trẻ, đặc biệt lứa tuổi học sinh, có thể bị ảnh hưởng bởi những thông tin xấu.
Cộng thêm những tác động tiêu cực từ cuộc sống hàng ngày như chuyện gia đình, trường lớp, bạn bè hoàn toàn có thể khiến người trẻ gặp khủng hoảng tâm lý, nặng hơn là rơi vào trầm cảm. Khi chưa tích lũy đủ vốn sống và kinh nghiệm, người trẻ dễ bị tổn thương về sức khỏe tinh thần.
Do đó, mỗi người cần trang bị kiến thức cũng như hiểu rõ về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần.